Không ai nói rằng việc xây dựng một doanh nghiệp là điều dễ dàng cả. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần phải thành thật về mức độ khắc nghiệt của sự nghiệp — và cái giá mà nhiều nhà sáng lập đã và đang phải trả một cách thầm lặng.
Lời tựa của Biên Tập Viên: Bài viết này đã giành được giải thưởng ở hạng mục Tạp chí Dịch vụ Cá nhân trong Cuộc thi Giải thưởng Thường niên năm 2014 của Câu lạc bộ Deadline, phân hiệu New York của Hiệp hội Nhà báo Chuyên nghiệp.
Trên mọi phương diện và mọi thước đo, chúng ta không cần phải bàn cãi về việc Bradley Smith là một người thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Ông là Giám đốc điều hành của Rescue One Financial, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở đặt tại Irvine, California với doanh thu gần 32 triệu USD vào năm ngoái. Công ty của Smith đạt tốc độ tăng trưởng vào khoảng 1.400% trong vòng ba năm qua, đứng ở vị trí thứ 310 trên bảng xếp hạng Inc. 500 năm nay. Nếu chỉ nhìn vào điều đó, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng mới chỉ 5 năm trước, Smith đã từng đứng trên bờ vực phá sản và hoàn toàn suy sụp về mặt tinh thần.
Vào năm 2008, Smith đã có quãng thời gian phải làm việc cật lực để tư vấn cho các khách hàng của ông về vấn đề nợ nần của họ. Dù vậy, ẩn sau phong thái bình tĩnh của ông là một nỗi niềm thầm kín: Ông cũng chia sẻ chính nỗi sợ hãi của họ. Giống như các khách hàng của mình, Smith ngày một lún sâu vào vòng xoáy của nợ nần. Ông ấy đã tự đẩy mình vào hoàn cảnh ngặt nghèo – trên hết mọi thứ – khi kinh doanh một công ty xử lý nợ. Smith nhớ lại: “Tôi đã nhìn thấy thấy các khách hàng của mình rầu rĩ và căng thẳng như thế nào, nhưng trong thâm tâm mình, tôi cũng tự nhận thức được rằng mình còn đang nợ nần gấp đôi họ”.
Ông đã phải rút hết tiền mặt trong tài khoản 401(k) của mình và đang chật vật ở hạn mức tín dụng tối đa là 60.000 đô la. Ông cũng đã bán chiếc Rolex mà ông đã mua bằng số tiền lương đầu tiên của mình khi ông còn làm nghề môi giới chứng khoán. Và ông còn hạ mình trước cha mình – người đã nuôi dạy anh theo những châm ngôn như “tiền không mọc trên cây” và “không bao giờ làm ăn với gia đình” – bằng cách mượn nợ 10.000 đô la với lãi suất 5%.
Smith luôn thể hiện sự lạc quan đối với những người đồng sáng lập và 10 nhân viên của mình, nhưng thâm tâm của ông lại bị hết sức rối ren. Smith nói: “Vợ tôi và tôi thường uống chung một chai rượu vang trị giá 5 đô la cho bữa tối và chỉ biết nhìn nhau. Chúng tôi biết chúng tôi đã ở rất gần bờ vực phá sản.” Sau đó, áp lực ngày một trở nên tồi tệ hơn khi: Cặp vợ chồng biết rằng họ sẽ chuẩn bị đóng chào đứa con đầu lòng của mình. Smith nhớ lại: “Có những đêm tôi thức trắng, nhìn chằm chằm lên trần nhà. Tôi ngồi dậy lúc 4 giờ sáng với đầu óc quay cuồng, suy nghĩ hết về chuyện này đến chuyện khác, tôi không thể ngừng suy nghĩ và luôn tự hỏi mình rằng, Khi nào thì mọi chuyện sẽ trở nên sáng sủa hơn đây?” Sau tám tháng thất kinh, công ty của Smith cuối cùng cũng đã bắt đầu có lợi nhuận.
Trong nền văn hóa của chúng ta, Các doanh nhân thành công thường được tung hô như những vị anh hùng. Chúng ta thần tượng Mark Zuckerberg và Elon Musk. Và chúng ta lưu lại những thành tựu phát triển của các công ty này trong bảng xếp hạng Inc. 500. Nhưng nhiều doanh nhân trong số đó, như Smith, mang trong mình những con quỷ thật sự: Trước khi đạt được thành công, họ đã phải vật lộn không ngừng với sự rầu rĩ và tuyệt vọng đến suy kiệt – những thời điểm mà dường như mọi thứ có thể sụp đổ vào bất kỳ lúc nào.
Cho đến hiện nay, việc thừa nhận những cảm xúc như vậy vẫn là điều cấm kỵ. Thay vào đó, thay vì bộc lộ những tổn tưởng của bản thân, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng thực hành điều mà các nhà tâm lý học xã hội gọi là quản lý sự ấn tượng – hay có thể hiểu là “hãy giả vờ cho đến khi bạn thành công“. Toby Thomas, Giám đốc điều hành của EnSite Solutions (hạng 188 trên Inc. 500), đã giải thích hiện tượng này bằng phép so sánh ưa thích của ông: một người đàn ông cưỡi sư tử. “Mọi người thường nhìn vào một anh chàng và nghĩ: Anh chàng này thực sự rất giỏi! Anh ấy thật dũng cảm!” Thomas nói. “Trong khi người đàn ông cưỡi sư tử lại đang nghĩ rằng” Làm thế quái nào mà tôi lại cưỡi được một con sư tử và làm cách nào để tôi không bị ăn thịt đây?“.
Một sự thật mà chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận đó là không phải ai đi trong bóng tối cũng có thể thoát ra được. Vào tháng 1 vừa rồi, người sáng lập nổi tiếng Jody Sherman, 47 tuổi, của trang thương mại điện tử Ecomom đã tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết của ông đã gây sự chấn động chưa từng có cho cộng đồng khởi nghiệp. Sự kiện này cũng khơi dậy một cuộc thảo luận về tinh thần khởi nghiệp kinh doanh và sức khỏe tâm thần vào hai năm trước, ngay sau vụ tự sát của Ilya Zhitomirskiy, một nhà đồng sáng lập 22 tuổi của một trang mạng xã hội tên là Diaspora.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nhân bắt đầu lên tiếng về những vấn đề nội tâm của họ với mục đích chống lại sự kỳ thị đối với chứng trầm cảm và lo âu, thứ khiến những ai mắc phải càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ. Trong một bài đăng mang đậm màu sắc cá nhân có tên “Khi cái chết có vẻ như là một lựa chọn tốt”, Ben Huh, Giám đốc điều hành của trang web Cheezburger Network, đã bọc bạch về ý nghĩ tự tử của mình sau khi khởi nghiệp thất bại vào năm 2001. Sean Percival, cựu phó chủ tịch MySpace và cũng là nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp quần áo trẻ em Wittlebee, cũng chia sẻ một bài viết khác có tên “Khi mọi việc không ổn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp” trên trang web của mình. “Tôi đã lâm vào tình cảnh khó khăn một vài lần với công việc kinh doanh và chứng trầm cảm của chính mình,” ông viết. “Nếu bạn sắp sửa gục ngã, xin hãy liên hệ với tôi.” (Percival hiện kêu gọi các doanh nhân đang gặp khó khăn hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ ông: Hãy gọi cho Đường dây nóng phòng chống vấn nạn tự tử quốc gia theo số 1-800-273-8255.)
Brad Feld, giám đốc điều hành của Foundry Group, bắt đầu viết blog vào tháng 10 về giai đoạn trầm cảm gần nhất của bản thân. Đây không phải là một vấn đề mới – nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng này đã phải vật lộn với chứng rối loạn cảm xúc trong suốt giai đoạn trưởng thành của mình – và ông không mong đợi nhiều sự phản hồi. Nhưng sau đó đã xuất hiện những email. Hàng trăm email được gửi đến.
Phần nhiều trong số các nhân vật này là những doanh nhân đang vật lộn với nỗi thống khổ và tuyệt vọng. (Để biết thêm cảm nghĩ của Feld về chứng trầm cảm, hãy xem chuyên mục của ông ấy, “Sống sót qua những đêm trường đen tối của tâm hồn” trên tạp chí Inc. số tháng 7 và tháng 8). “Ngay khi bạn đọc được danh sách những cái tên, bạn sẽ rất ngạc nhiên“, Feld nói. “Họ đều là những người rất thành công, rất xuất sắc, rất thu hút—nhưng họ đã âm thầm đấu tranh với điều này. Tôi luôn có cảm giác rằng họ không thể tỏ bày về tình trạng của bản thân họ, rằng đó là điểm yếu, sự xấu hổ hay điều gì đó. Họ cảm thấy như mình đang lảng tránh, và điều đó chỉ làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.”
Nếu bạn điều hành một doanh nghiệp, điều này có lẽ sẽ quen thuộc đối với bạn. Đó chính xác là một công việc hết sức căng thẳng và có thể tạo ra cảm xúc hỗn loạn cho những ai tham gia. Đầu tiên, phải công nhận rằng đây rõ ràng là loại công việc có tỷ lệ thất bại rất cao. Theo nghiên cứu của Shikhar Ghosh, giảng viên Trường Kinh doanh Harvard, ba trong số bốn công ty khởi nghiệp mặc dù có sự hậu thuẫn của các quỹ mạo hiểm đều thất bại. Ghosh cũng nhận thấy rằng có hơn 95% các công ty khởi nghiệp không đạt được kết quả như dự định ban đầu.
Các doanh nhân thường phải đảm nhận nhiều vai trò trong công việc của họ và phải đối mặt với vô số trở ngại – như mất đi khách hàng, tranh chấp với đối tác, mức độ cạnh tranh tăng cao, vấn đề về nhân sự – trong khi phải vật lộn để tìm kiếm thu nhập. Bác sĩ tâm thần và cựu doanh nhân Michael A. Freeman, người đang nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tinh thần kinh doanh, cho biết: “Sẽ luôn có những sự kiện đau buồn xảy ra”.
Một vấn đề còn phức tạp hơn đó là các doanh nhân mới thường tự khiến bản thân họ dễ bị tổn thương hơn bằng cách bỏ bê sức khỏe của chính họ. Họ có thể ăn quá nhiều hoặc quá ít. Họ không ngủ đủ giấc. Họ không tập thể dục. Freeman nói: “Bạn có thể chuyển sang chế độ khởi nghiệp, nơi bạn thúc đẩy bản thân và lạm dụng cơ thể của mình. Điều đó có thể gây ra các tổn thương về mặt tâm lý.”
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nhân thường có tình trạng căng thẳng cao hơn nhiều so với nhân viên của họ. Theo Chỉ số Hạnh phúc Gallup-Healthways mới nhất, có đến 34% doanh nhân – nhiều hơn 4 điểm phần trăm so với những người lao động khác – cho biết họ có trải qua tình trạng căng thẳng, lo âu. Và có đến 45% doanh nhân cho biết họ hiện đang trong tình trạng căng thẳng, nhiều hơn 3 điểm phần trăm so với những người lao động khác.
Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy, vấn đề không chỉ nằm ở loại công việc khiến một số nhà sáng lập đến bờ vực thẳm. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều doanh nhân có chung những đặc điểm tính cách bẩm sinh, thứ khiến họ dễ bị tổn thương trước những sự thay đổi trạng thái tâm lý. Freeman cho biết: “Những ai có tính cách năng động, giàu động lực và sức sáng tạo đều có nhiều tiềm năng trở thành doanh nhân và đồng thời có các trạng thái tâm lý mạnh mẽ hơn”. Những trạng thái đó này có thể bao gồm trầm cảm, tuyệt vọng, vô vọng, cảm thấy bản thân vô dụng, mất động lực và có ý nghĩ tự sát.
Đó là hai mặt của một đồng xu, có ưu tất có nhược. Chính khuynh hướng say mê đã thúc đẩy các nhà khởi nghiệp tiến tới thành công, thứ mà đôi khi có thể nuốt chửng họ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, Australia cho rằng các chủ doanh nghiệp thường “dễ bị ảnh hưởng bởi những ám ảnh”. Họ đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người sáng lập để nghiên cứu về niềm hăng say kinh doanh của họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều đối tượng có dấu hiệu ám ảnh lâm sàng, bao gồm cảm giác đau khổ và lo lắng ở mức độ cao, “có khả năng dẫn đến suy giảm chức năng”, họ đã công bố các phát hiện này trong một bài báo được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Doanh nhân vào tháng 4.
John Gartner, một nhà tâm lý học thực hành giảng dạy tại Trường Y Đại học Johns Hopkins cũng đã góp phần củng cố thông điệp này. Trong quyển sách The Hypomanic Edge: Mối liên hệ giữa (một chút) sự điên rồ và (rất nhiều) thành công ở Mỹ, Gartner lập luận rằng yếu tố hưng phấn – hypomania – có thể là nguyên nhân tạo nên sức mạnh cũng như điểm yếu của một số doanh nhân.
Một dạng hưng cảm nhẹ hơn thường xảy ra ở người thân của những người bị hưng cảm-trầm cảm và ảnh hưởng đến khoảng 5% đến 10% người Mỹ. Gartner nói: “Nếu bạn trở nên hưng phấn, bạn nghĩ bạn là Chúa Giêsu. Nếu bạn ở trạng thái hưng cảm nhẹ hơn, bạn nghĩ mình là món quà của Chúa với tài năng thiên bẩm trong hoạt động đầu tư công nghệ. Chúng ta hình dung về các mức độ hưng phấn khác nhau nhưng có cùng những triệu chứng.”
Gartner đưa ra giả thuyết rằng có rất nhiều người mắc chứng hưng cảm nhẹ – và rất nhiều trong số đó là doanh nhân – ở Mỹ bởi vì bản sắc dân tộc của đất nước chúng ta đã được xây dựng trên cơ sở các làn sóng nhập cư. “Chúng ta là một dân tộc tự chọn lọc,” ông nói. “Những người nhập cư có tham vọng, năng lượng, nghị lực và khả năng chấp nhận rủi ro khác thường, điều này cho phép họ có cơ hội tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Đây là những đặc điểm tính cách sinh học. Nếu bạn gieo mầm cho cả một lục địa với họ, bạn sẽ có được một quốc gia của các doanh nhân.”